| Học sinh Trường Tiểu học Ban Mai - Hà Nội trong giờ chơi (ảnh minh hoạ). Ảnh: N.T. |
LĐ) - LTS: Trước thềm năm học mới 2009-2010, Bộ GDĐT quyết định đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống vào chương trình giảng dạy. Ông Lê Quán Tần- Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT) - nhận định rằng, đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống vào trường học không phải muốn là có thể làm ngay được, phải kết hợp cả gia đình, nhà trường và xã hội. Điều trăn trở của ông vụ trưởng hoàn toàn có cơ sở vì ngành giáo dục chỉ thiên về dạy chữ, còn dạy học sinh làm người thì trách nhiệm không chỉ thuộc ngành giáo dục Báo Lao Động ( ra ngày 31.8) đăng tải ý kiến của bạn đọc Mai Nguyên trước sự kiện gây sốc xã hội mà nạn nhân là học sinh, sinh viên, với câu hỏi "Giáo dục kỹ năng sống-vì sao bỏ ngỏ?" đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc, chúng tôi cho rằng những ý kiến gửi đến Diễn đàn Lao Động sẽ giúp bậc cha mẹ nhận biết tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng sống. Xin giới thiệu ý kiến của bạn đọc Liên Phương (Đà Nẵng). Trong thời đại mới, ngoài kiến thức, mỗi chúng ta rất cần trang bị cho mình những kỹ năng để ngày càng hoàn thiện bản thân và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội. Vì vậy, việc Bộ GDĐT đưa môn kỹ năng sống lồng ghép vào chương trình giảng dạy là rất quan trọng và rất cần thiết, mặc dù để làm được việc này không phải là dễ Việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ngày càng trở nên thiết yếu nhằm góp phần đào tạo "con người mới" với đầy đủ các mặt "đức, trí, thể, mỹ", "nhân, lễ, nghĩa, trí, tín" hay "nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm"... Ngạn ngữ có câu "Gieo hành vi, gặt thói quen; gieo thói quen, gặt tính cách...". Vì vậy, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phải phù hợp với lứa tuổi, cấp học, văn học của từng vùng... sao cho các em cảm thấy gần gũi với cuộc sống của bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội, chứ không chỉ trên sách vở hay những lời nói suông. Thời gian qua, một số tổ chức đã phần nào trang bị cho các em kỹ năng sống thông qua các khoá học hè như: "Tuần lễ trong quân ngũ" do nhà Văn hoá TP.Hồ Chí Minh tổ chức, hay như "Ngày hội văn hoá dân gian" của Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng)... Qua các hoạt động này, các em được rèn luyện, đưa ra ý tưởng của mình hoặc theo đội, nhóm... Các hoạt động, chương trình này đã tạo ra và để lại hiệu ứng xã hội tốt đẹp, nhưng đó chỉ là sự khởi đầu, bởi kỹ năng sống là vô hạn! Vì vậy, việc giáo dục kỹ năng sống cho các em phải bắt đầu từ việc định hướng và định hình cho các em những hành vi tốt đẹp. Có thể giáo dục kỹ năng sống cho các em từ bậc học mầm non, bởi ở lứa tuổi này các em đang hình thành hành vi cá nhân và tính cách. Do đó, việc giáo dục kỹ năng sống cho lứa tuổi này là tối quan trọng bởi qua thói quen hằng ngày mà các em sẽ hình thành nhân cách sau này. Ở lứa tuổi này chỉ nên dạy cho trẻ những điều dễ nhớ, dễ học, dễ hiểu. Việc giáo dục kỹ năng sống cho các em cần phải khơi gợi và phát huy sự tham gia của các em bên cạnh sự hướng dẫn của thầy - cô giáo, chứ tuyệt đối không nên áp đặt ý kiến hay suy nghĩ chủ quan của thầy - cô giáo cũng như người lớn. Tuyệt đối không được phê bình hay đánh giá khi các em làm điều gì đó chưa tốt, bởi nếu vậy sẽ triệt tiêu sự chủ động, tự tin và hoà nhập cùng bạn bè, vì ở lứa tuổi này các em rất muốn thể hiện mình. Chuyên gia tâm lý học người Nga Dorothy Holte đã nói: "Nếu trẻ sống với sự phê bình, thì trẻ sẽ học cách chỉ trích"; do đó, những điều như trên là tối kỵ trong việc giáo dục nói chung và giáo dục kỹ năng sống cho các em nói riêng. Lên cao hơn, các em cần phải được trang bị những kỹ năng để chung sống và ứng phó, xử lý những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Vì vậy, Bộ GDĐT cần phải ban hành bộ chuẩn về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh để định hướng chung, chứ không nên mỗi trường dạy một kiểu . Giáo viên giảng dạy phải là giáo viên có kiến thức tâm lý, chuyên về giáo dục tâm lý, kỹ năng sống, chứ không nên kiêm nhiệm hay dạy theo ngẫu hứng. Và quan trọng hơn hết là cần có sự phối kết hợp gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội, bởi "Cây giáo dục chỉ đơm hoa thơm và kết trái ngọt khi có sự chăm sóc và vun xới của nhà trường, gia đình và xã hội" như Dorothy Holte đã nói. Và ông bà, cha mẹ, anh chị hãy là tấm gương sáng để các em noi theo và hãy gần gũi, chia sẻ, tâm sự, động viên và cùng các em tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống và tuyệt nhiên không được so sánh hay áp đặt ý nghĩ chủ quan của mình Trích báo người lao động Trở về trang đầu |